Mẹ chồng tôi mất sớm. Nhà chỉ có hai chị em. Chị đã có gia đình riêng và sống gần căn nhà của mẹ chồng tôi để lại. Trước đó một tháng, khi nghe em trai thông báo đưa người yêu về ra mắt, chị đã bỏ nhiều ngày liền để dọn dẹp lại căn nhà của mẹ. Chị thay chăn, nệm mới. Chị chọn loại chăn bông dày nhiều lớp vì lo lắng tôi ở miền Nam không quen được cái rét Bắc. Chị sửa soạn nhiều thứ nhưng không chuẩn bị bếp. Chị bảo “vào chị ăn cơm, không phải nấu”.
Tôi nhớ hôm đó là tối mùng một. Tôi theo chồng đi chúc Tết người thân, về đến nhà thì đã tối. Trời lạnh. Vừa đẩy cửa vào, trên bàn đã có sẵn một cái làn được đậy kín. Bên trong là cá trắm kho riềng, dưa cải chua chấm mắm mặn dầm ớt, canh riêu cá và cơm trắng vẫn còn nóng.
Nồi cá trắm kho riềng trong bữa cơm của gia đình tôi
Tôi vừa giở nắp làn ra thì tiếng chị đã ngoài cửa: “Bây ăn đi cho nóng. Đi gì lắm, không lạnh, không đói à”. Dứt lời chị lại phóng lên xe đạp, vút đi, giọng còn vọng lại: “Tau về cho trâu ăn, không hắn phá chuồng”.
Lần đầu tôi biết riềng dùng để kho cá nên không quen mùi. Mấy miếng cơm đầu, tôi chỉ ăn dưa cải chấm nước mắm. Chồng tôi động viên “cứ ăn thử một chút, rồi từ từ, bữa sau sẽ thấy ngon”. Thực ra, tôi không cần đến bữa sau, từ miếng cơm thứ ba, tôi đã cảm nhận được vị béo ngậy, thịt cá chắc nịch. Xương cá bị nấu lâu trên lửa nên mềm nhũn, tan ra.
Chồng tôi bảo ở đây người ta thường kho cá trắm ăn Tết. Nhà nào khá sẽ mua cá to 5-6 ký. Cá kho kèm thịt ba chỉ. Kho đi kho lại nhiều lửa. Cá thấm. Thịt chắc. Xương mềm. Để cá kho ngon hơn, có người chiên sơ sơ hai mặt hoặc nướng trên than hồng cho xém xém. Năm đó, nhà chị chồng tôi cũng chẳng khá lắm nhưng lát cá chị mang sang hôm mùng một Tết, tính từ sống lưng đến lớp da bụng dài gần gang tay.
Cơm vừa xong đã thấy chị đứng ở cửa, lại bảo “để chén đũa đấy chị mang về nhà rửa”. Chị tôi hỏi cá ăn vừa miệng không? Trong khi tôi khen hết lời thì chồng tôi nhận xét ngọt hơi đậm. Chị tôi giải thích, trước ngày tôi về chị hỏi mấy người từng đi miền Nam, nhiều người bảo trong đó ăn cái gì cũng ngọt. Người trong đấy không chịu được lạnh. Có người còn phải chuẩn bị bếp than cho con dâu sưởi ấm… Chị tôi đâm lo em dâu tương lai không quen thời tiết, nếp ăn uống ở quê nên khi kho cá trắm chị đã cho nhiều đường hơn, điều mà trước giờ chị chưa từng làm.
Lại nhớ, năm ấy tôi vừa đi công tác gần một tháng ở Trường Sa mới về. Người cháy nắng, mặt mũi đen nhẻm trong khi chồng tôi vốn được khen “đẹp trai nhất làng”. Chúng tôi như một đôi đũa lệch. Chị chồng tôi gặp ai cũng thanh minh “em nó vừa đi biển đảo về”, ngụ ý “xấu này là nhất thời, chứ bình thường hắn cũng xinh”.
Hơn một tuần ăn Tết ở quê chồng tương lai nhưng tôi không hề có cảm giác xa lạ dù có những món ăn lần đầu được thử, những người lần đầu gặp mặt hay những phương ngữ phải hỏi lại vài lần mới hiểu… tất cả bởi nhờ có chị.
Chị chồng tôi – người nông thôn, quanh năm quen với ruộng vườn, chưa từng một lần ra khỏi làng nhưng tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ, như việc chị thêm nhiều đường vào nồi cá kho cho tôi dễ ăn, đã giúp tôi tin rằng mình đã chọn được những người yêu thương cho cuộc đời mình.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)