Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều điểm đến du lịch khắp cả nước từ TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam, Phú Quốc, Bình Định, Cần Thơ, Bình Thuận, Cà Mau… đang đón mùa hè “rực rỡ” với lượng khách tăng nhanh chóng.
Biết trước nhưng vẫn bất ngờ
Tại Khánh Hòa, ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng Ban Quản lý vịnh Nha Trang, cho biết bến tàu du lịch Nha Trang những ngày này đang đón lượng lớn du khách. Ngày trong tuần, bến tàu đón khoảng 4.000 lượt khách/ngày, riêng cuối tuần lên đến 6.000 – 7.000 khách/ngày. Khách chủ yếu đi tour 3 đảo tới Hòn Mun, Hòn Tằm, Làng Chài, Bãi Tranh, vịnh San Hô, Hòn Sỏi… Sau khi tạm dừng lặn biển ở Hòn Mun, du khách chuyển hướng đến lặn ở Bãi Tranh và vịnh San Hô do công ty quản lý.
Rất đông du khách tham quan Eo Gió (tỉnh Bình Định) .Ảnh: ĐỨC ANH
Còn ông Lê Dũng Lâm, Giám đốc Công ty CP Du lịch Long Phú (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), cho hay các khu du lịch Đảo Hoa Lan và Đảo Khỉ cũng đang thu hút số lượng lớn khách. Hệ thống lều gỗ lưu trú bị quá tải, công ty phải mua thêm một số lều cắm trại cao cấp Glamping để đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách những ngày cao điểm.
Thống kê của Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho thấy từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đón hơn 1 triệu lượt khách du lịch, tăng 128% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch ước đạt gần 5.550 tỉ đồng, tăng 209%.
Tại TP Đà Nẵng, những ngày này, các tuyến đường ven biển luôn tấp nập chuyến xe chở khách ra vào các khách sạn; bãi biển chật kín người vào mỗi buổi sáng, chiều… Các khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố đều tự tin sẽ kín phòng trong suốt mùa hè. Bà Lê Thị Bích Hương, Giám đốc truyền thông và marketing của Khu Du lịch Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, thông tin từ khi bắt đầu vào mùa cao điểm du lịch hè, khách đến ngày càng nhiều. Hiện dịch vụ lưu trú khách sạn Ebisu Onsen Resort trong khu du lịch gần như kín phòng vào dịp cuối tuần, công suất phòng tháng 7 này đạt khoảng 95%.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng Giám đốc Furama Resort Da Nang, nhận định với sự phục hồi mạnh mẽ của nguồn khách du lịch nội địa, công suất phòng của các khách sạn đạt từ 60%-80%, hiện có khoảng 80% cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố đã mở cửa.
Tại Quảng Nam, từ giữa tháng 3-2022 đến nay, sau khi du lịch hoàn toàn mở cửa, lượng khách đến có sự tăng trưởng khá ấn tượng. Trung bình mỗi ngày, phố cổ Hội An đón khoảng 10.000 lượt khách đến tham quan. Vào các ngày cuối tuần, đường phố Hội An thường xuyên chật kín người. Các địa điểm nổi tiếng như Mỹ Sơn, Cù lao Chàm… cũng bắt đầu đông khách trở lại.
“Du lịch của tỉnh đang phục hồi rất tốt. Trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi đón 2,3 triệu lượt khách, một phần đến từ việc quảng bá tốt Năm Du lịch quốc gia. Hiện các khu, điểm du lịch và cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh đang tập trung nâng cấp chất lượng, đa dạng các sản phẩm; các doanh nghiệp và ngành du lịch cũng tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để nâng chất lượng dịch vụ” – ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, nói.
Theo các địa phương trên, diễn biến này dù đã được dự báo ngay sau khi dịch được kiểm soát nhưng vẫn không khỏi bất ngờ vì nhu cầu du lịch hè tăng đột biến.
Bắt đầu quá tải ở điểm đến
Tại Bình Thuận, từ đầu mùa hè đến nay, lượng khách nội địa đổ về ngày một nhiều. Các cung đường bên trong Khu Du lịch quốc gia Mũi Né luôn ken kín ôtô, xe khách ngoại tỉnh chở du khách. Ban Quản lý Khu Du lịch Hàm Tiến – Mũi Né (TP Phan Thiết) cho hay các tour cuối tuần trong 3 tháng hè (từ tháng 6 – 8) ở các resort từ 3 sao trở lên phần lớn đã kín phòng, công suất từ 70% trở lên.
Theo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, hiện 90% doanh nghiệp đã mở cửa đón khách trở lại, xây dựng các chương trình giảm giá kích cầu du lịch, triển khai nhiều gói sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn. “Nhờ có sự chuẩn bị từ sớm phương án về kịch bản đón tiếp khách, chúng tôi đã tái khởi động cơ sở du lịch từ đầu năm từ nhân sự, buồng phòng đến các dịch vụ đi kèm… Riêng tháng 6-7, các phòng của resort phần lớn đã kín, chỉ để khoảng 10% cho khách lẻ quen” – anh Quang Hùng, quản lý một resort 3 sao tại phường Mũi Né (TP Phan Thiết), nói.
Thành phố biển Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) cũng luôn nhộn nhịp khách từ sáng đến tối, nhất là dịp cuối tuần. Tình trạng kẹt xe ở thành phố này cũng xảy ra thường xuyên bởi lượng khách du lịch từ các nơi đổ về.
Tại khu du lịch nổi tiếng Kỳ Co (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn), hòn đảo được mệnh danh là “Maldives Quy Nhơn”, mỗi ngày đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Cách đó không xa, điểm tham quan Eo Gió – nơi được xem là có hoàng hôn đẹp nhất Việt Nam – ngày nào cũng kín khách đến ngắm cảnh, chụp ảnh lưu niệm.
Những điểm du lịch nổi tiếng khác ở Bình Định như: Hầm Hô, Bảo tàng Quang Trung; Trung Lương – Cát Tiến, Nhơn Hải, Ghềnh Ráng… thường xuyên tấp nập du khách đến tham quan. Các cơ sở lưu trú ở TP Quy Nhơn cũng sôi động trở lại sau gần 2 năm đóng cửa vì dịch Covid-19. Hệ thống khách sạn, nhất là khách sạn từ 3 – 5 sao, luôn trong tình trạng “cháy” phòng. Ngay cả homestay trong các hẻm nhỏ cũng đông khách. Ông Ngô Thành Vũ, một doanh nhân đến từ TP HCM, cho biết vì chủ quan, trong chuyến công tác cuối tháng 6 vừa qua tại TP Quy Nhơn, ông không đặt phòng trước nên phải ở khách sạn chất lượng kém hơn.
Theo người dân địa phương, du khách các nơi bắt đầu đổ về Quy Nhơn tham quan khi tỉnh Bình Định tổ chức khai mạc lễ hội du lịch Bình Định năm 2022 với chủ đề “Quy Nhơn – Thiên đường biển” từ cuối tháng 4.
Ở khu vực ĐBSCL, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết tổng lượt khách tham quan, du lịch trong 6 tháng đầu năm 2022 ở TP Cần Thơ đạt hơn 3,1 triệu lượt (tăng 55% so với cùng kỳ). Các cơ sở lưu trú phục vụ hơn 1,2 triệu lượt, tăng 50% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm nay; doanh thu du lịch rất khả quan.
Tại tỉnh Cà Mau, tính đến cuối tháng 6, tổng lượng khách du lịch đến địa phương lên tới 855.811 lượt, đạt hơn 71% chỉ tiêu cả năm 2022. Tổng thu du lịch đạt 1.144 tỉ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Nhiều chương trình, sự kiện tổ chức trong những tháng đầu năm như “Cà Mau – Điểm đến 2022” tạo hiệu ứng tích cực trong truyền thông quảng bá, tạo đà thúc đẩy kích cầu, khôi phục du lịch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn phục hồi. Dự báo vào cao điểm hè, lượng khách sẽ tăng mạnh nên ngành du lịch tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp bảo đảm phục vụ khách du lịch.
Ngay cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, hoạt động du lịch cũng rất tích cực trong nửa đầu năm, phản ánh du lịch đang hồi phục nhanh chóng. Theo Sở Du lịch TP HCM, 6 tháng đầu năm 2022, TP HCM đón hơn 11 triệu lượt khách nội địa, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng thu du lịch đạt gần 50.000 tỉ đồng, tăng gần 30%.
Sở Du lịch TP Hà Nội cho biết trong 6 tháng qua, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 8,61 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.200 tỉ đồng, đều tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh mở cửa du lịch trở lại, ngành du lịch thủ đô đã triển khai nhiều sản phẩm du lịch để thu hút du khách, như tour đêm tại di tích nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long; chương trình chợ phiên vùng cao phía Bắc của Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam… Hà Nội cũng tổ chức nhiều sự kiện, chương trình xúc tiến quảng bá du lịch, thu hút đông đảo du khách.
(Còn tiếp)
Vượt mục tiêu cả năm
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, ngành du lịch Việt Nam đã phục vụ 60,8 triệu lượt khách nội địa, gấp hơn 1,5 lần lượng khách nội địa cả năm 2021. Đặc biệt, chỉ trong tháng 5 và 6-2022, lượng khách đã tăng cao kỷ lục trong nhiều năm gần đây – lần lượt là 12 triệu và 12,2 triệu lượt khách.
Kết quả từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy lượng tìm kiếm về hàng không và điểm lưu trú trong nước tháng 6-2022 bùng nổ, liên tục tăng hơn 500% so với cùng kỳ. Cụ thể, 10 điểm đến trong nước được du khách Việt Nam yêu thích nhất gồm TP HCM, Phú Quốc, Hà Nội, Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Quy Nhơn, Huế, Phan Thiết.
Trong xu hướng bùng nổ của du lịch hè, ngành du lịch đang phải đối mặt những vấn đề về nguồn nhân lực thiếu hụt nghiêm trọng sau đại dịch Covid-19; tình trạng chất lượng dịch vụ ở các điểm đến, trong đó có nạn “chặt chém”; thiếu sản phẩm du lịch mới hấp dẫn hơn, phù hợp thị hiếu thay đổi của du khách và ứng phó với chi phí đầu vào tăng cao…
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)