Đầu tháng 11 năm ngoái – ngay khi TP HCM vừa kiểm soát được dịch Covid-19 và dần mở lại hoạt động du lịch, đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng dẫn đầu đã khảo sát điểm đến Cần Giờ cho đề án phát triển kinh tế đêm ở đây, tương xứng với tiềm năng, lợi thế và tạo thêm sản phẩm du lịch đặc sắc.
Nhiều dư địa cho sản phẩm về đêm
Cần Giờ có rừng ngập mặn, có biển với nguồn thủy hải sản phong phú, có di tích lịch sử, đặc biệt còn được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Việc phát triển kinh tế đêm, bắt đầu bằng chợ đêm ở Cần Giờ, theo nhiều doanh nghiệp (DN) là yêu cầu bức thiết để tạo sự đột phá mạnh mẽ ở khu vực này. Hiện đề án phát triển kinh tế đêm và khu ẩm thực về đêm của Cần Giờ đang được UBND huyện Cần Giờ phối hợp Sở Du lịch TP cùng các sở, ban ngành hoàn thiện.
Cùng với Cần Giờ, một số quận, huyện khác cũng đang xúc tiến loạt sản phẩm du lịch về đêm khác với nhiều kỳ vọng. Cụ thể, quận 3 đang triển khai phố đi bộ ở Hồ Con Rùa; quận 5 có khu vực phát triển kinh tế đêm ở chợ An Đông; quận 6 có chợ đêm Bình Tây; quận 7 đang quy hoạch các điểm khu kinh tế đêm – nhất là khu vực đường Tôn Dật Tiên; hay huyện Hóc Môn, Củ Chi cũng có nhu cầu phát triển kinh tế đêm.
Là một DN đầu tư vào sản phẩm du lịch ban đêm, ông Huỳnh Văn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Ngôi Sao Biển, đánh giá thành phố còn nhiều dư địa chưa được khai thác. “Phát triển kinh tế đêm mà khởi đầu là chợ đêm vừa giúp du khách được thưởng thức sản vật vừa cảm nhận văn hóa địa phương. Chợ đêm cũng là nơi giới thiệu những mô hình văn hóa thông qua ẩm thực, chương trình nghệ thuật để níu chân du khách ở lại đêm. Đầu tư vào kinh tế đêm với những sản phẩm thu hút du khách là cơ hội để du lịch thành phố tạo đột phá mạnh mẽ” – ông Huỳnh Văn Sơn nói.
Phố đi bộ Bùi Viện nhộn nhịp về đêm Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Một trong những lợi thế để thành phố triển khai kinh tế đêm chính là thế mạnh về ẩm thực. Sở Du lịch thành phố cho biết sẽ tập trung phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, sản phẩm du lịch ẩm thực không chỉ góp phần sớm phục hồi hoạt động của ngành dịch vụ nhà hàng, ăn uống sau dịch Covid-19; truyền tải giá trị ẩm thực Việt Nam đến thế giới mà để ẩm thực trở thành một trong những yếu tố hàng đầu thu hút du khách khi tới thành phố. “Sở đã ban hành kế hoạch “Nâng cao chất lượng hệ thống dịch vụ ẩm thực áp dụng tại TP HCM” với 4 giai đoạn trong năm nay, trọng tâm là xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng hệ thống dịch vụ ẩm thực (đối với dịch vụ ẩm thực tại các nhà hàng, khách sạn có sao) và bộ nhận diện nhà hàng đạt chuẩn. Sở cũng đang làm việc với một số đầu mối trong và ngoài nước nhằm xúc tiến mời đầu bếp quốc tế, đầu bếp, trong đó có ngôi sao Michelin đến giao lưu văn hóa, ẩm thực tại TP” – bà Ánh Hoa nói.
Huy động nhiều nguồn lực
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Golden Smile Travel, cho rằng nhu cầu giải trí, hoạt động về đêm luôn tồn tại trong suy nghĩ của du khách khi đến bất kỳ địa phương nào, nhất là những đô thị lớn có thể mạnh về du lịch. Do đó, thành phố có dư địa phát triển cao các sản phẩm du lịch về đêm. “Đến giờ, thành phố chưa có điểm tham quan nào về đêm, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí về đêm cũng rất thưa thớt, đơn lẻ… cho thấy cơ hội phát triển kinh tế đêm vô cùng lớn. Vì thiếu sản phẩm về đêm nên du khách chưa có động lực đủ mạnh để nghỉ đêm ở thành phố mà chỉ là nơi “trung chuyển”. Nhu cầu của khách hiện nay là du lịch kết hợp hội thảo nhằm phát triển kinh doanh, nếu ban ngày hội họp, ban đêm được vui chơi, giải trí mới đúng nghĩa là du lịch MICE” – ông Phương nói.
Góp ý cho du lịch về đêm, kinh tế đêm ở thành phố, ông Nguyễn Duy Tuấn, Tổng Giám đốc A Plus Travel, liệt kê du lịch về đêm ở TP HCM hiện có các tour Vespa, tour xe buýt 2 tầng Hop On – Hop Off, tour du thuyền ăn tối trên sông Sài Gòn, tour đi thuyền trên kênh Nhiêu Lộc. Về vui chơi giải trí có phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đêm Bùi Viện, múa rối nước, À Ố Show, phố đêm chợ Bến Thành… nhưng vẫn rất ít so với một trung tâm đô thị lớn như TP HCM. “Những buổi biểu diễn đá cầu siêu hay và siêu đẹp tại các công viên của thành phố có thể biến thành những trận đấu đỉnh cao với các dịch vụ đi kèm. Những trận đua Kayak trên sông ở khu vực thuận lợi, những buổi trưng bày đường phố về phong lan – cây cảnh – mỹ nghệ, những buổi hòa nhạc – trình diễn nhạc lớn tại các quảng trường khác nhau hay trình diễn ẩm thực… đều có thể được nghiên cứu trở thành một phần của sản phẩm du lịch, vui chơi giải trí về đêm” – ông Nguyễn Duy Tuấn nói.
Để làm được những điều này, theo các DN, cần sự vào cuộc, sự huy động nguồn lực của cả chính quyền thành phố, các sở, ban ngành, người dân địa phương và những người làm du lịch. Với những sản phẩm kinh tế đêm một số quận, huyện đang xây dựng, cần đầu tư vào quy hoạch – chọn vị trí ở đâu phù hợp với một đô thị vốn đang bị nén – chọn mô hình kinh tế đêm nào hiệu quả nhất… Đích đến cuối cùng phải là sản phẩm du lịch có thể khai thác được và thu hút du khách, cũng như góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. “Từng điểm đến, điểm tham quan, du lịch ở thành phố đều có những chất liệu riêng và thành phố cũng là cái nôi của văn hóa nghệ thuật nên ngành du lịch hoàn toàn đủ sức và tiềm lực để phối hợp với các sở, ban ngành và quận, huyện khác cùng xây dựng thêm nhiều chương trình hoạt động nghệ thuật, sô diễn định kỳ góp phần làm mới sản phẩm du lịch thành phố” – bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nhấn mạnh.
Tiếp tục đầu tư loạt sản phẩm du lịch mới
Theo Sở Du lịch TP, từ nay tới cuối năm, sở sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng dự thảo kế hoạch phát triển điểm đến ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ thành sản phẩm du lịch gắn với cộng đồng, giá trị tự nhiên và văn hóa đặc trưng của nơi đây. Đồng thời, hoàn chỉnh và triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy, sản phẩm du lịch gắn với hoạt động “trên bến dưới thuyền” ở quận 1, 5, 6 và quận 8.
Ông Lại Minh Duy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, cho rằng sản phẩm du lịch “trên bến dưới thuyền” ở quận 8 nếu triển khai hiệu quả có thể trở thành sản phẩm nổi bật, rất hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Nếu bắt tay hoàn thiện ngay từ bây giờ có thể tạo sự mới mẻ vào dịp Tết Nguyên đán 2023 và trong mùa cao điểm khách quốc tế. “Ngay như TP Thủ Đức, mọi người thường quá quen thuộc nhưng khi xây dựng thành sản phẩm du lịch thì vẫn có sự hấp dẫn, quan trọng là trong lịch trình du khách được trải nghiệm, khám phá, tham quan… Đến giờ, một số công ty du lịch đã khai thác tour định kỳ, khai thác cả khách lẻ và khách đoàn tới TP Thủ Đức” – ông Duy nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-7
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)