Dù là chương trình nghệ thuật biểu diễn phục vụ miễn phí cho người dân trong không gian mở nhưng đã được đầu tư chất lượng cao từ âm thanh, ánh sáng đến nội dung.
Thương hiệu “Thành phố nghệ thuật”
Lễ hội âm nhạc quốc tế TP HCM Hò dô mùa thứ 2 do UBND TP HCM chỉ đạo, Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TP HCM tổ chức, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM thực hiện, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ đến từ nhiều nước trên thế giới, diễn ra vào thời điểm cuối năm đã trở thành điểm hẹn cho du khách khi nhắc đến TP HCM.
Ngoài chương trình hò dô, trong năm 2022 còn có nhiều chương trình biểu diễn cộng đồng diễn ra phía trước Bưu điện TP HCM, Nhà hát TP HCM, phố đi bộ Nguyễn Huệ… đã được tổ chức.
Chương trình nghệ thuật “Âm sắc Việt” do Sở VH-TT TP HCM tổ chức, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen thực hiện, diễn ra cuối tuần qua trước Bưu điện TP HCM đã thu hút đông đảo người xem. Điều đáng chú ý phần giới thiệu của chương trình này được thực hiện bằng song ngữ Anh – Việt để phục vụ cho du khách nước ngoài.
Chương trình nghệ thuật “Âm sắc Việt” trước Bưu điện TP HCM
Đây là mô hình vừa thu hút khách du lịch, đồng thời lưu giữ, thúc đẩy giá trị văn hóa dân tộc đến gần hơn với cộng đồng, nhất là những công dân trẻ. “Âm sắc Việt” biểu diễn định kỳ sáng thứ bảy hằng tuần trước Bưu điện TP HCM và tối thứ bảy, chủ nhật hằng tuần tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Sau nhiều buổi diễn đã ra mắt tại Công viên Lam Sơn, Công viên Tao Đàn, Bến Nhà Rồng và trước Bưu điện TP HCM với các chủ đề “Thành phố lung linh những sắc màu”, “Tình ca phố”, “Sài Gòn – Anh yêu em”…, chương trình ca nhạc ” Thành phố tình yêu – Lively SaiGon” sẽ được khởi động lại vào tháng 3 này. Theo Trung tâm Ca nhạc nhẹ thành phố, năm 2023 chương trình ca nhạc “Thành phố tình yêu – Lively SaiGon” sẽ được đầu tư về nội dung, hứa hẹn mang đến những điều mới mẻ cho khán giả.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP HCM, cho biết: “Chủ trương của thành phố là tạo dựng thương hiệu, thu hút khách du lịch đến TP HCM thông qua hình ảnh “Thành phố nghệ thuật”. Nhiều chương trình nghệ thuật cộng đồng sẽ được tổ chức trong năm nay với mục tiêu mang đến những nội dung nghệ thuật và thẩm mỹ chất lượng cao cho công chúng”.
Xã hội hóa biểu diễn cộng đồng
Theo các nhà chuyên môn, mục tiêu “muốn du khách khi nhắc đến TP HCM sẽ có cái nhìn thiện cảm, nhớ ngay đến TP HCM là một thành phố văn hóa nghệ thuật”, do vậy việc tạo dựng nên các chương trình biểu diễn cộng đồng không chỉ là việc của cơ quan quản lý mà cần có sự chung tay của cả xã hội.
Ngày cuối năm 2022 vừa qua, chương trình biểu diễn của 500 nhạc công tại sân khấu nhạc nước ở quảng trường Hòa Bình (TP HCM) đã thu hút công chúng. 500 nhạc công đến từ các tỉnh, thành khác nhau, ở các độ tuổi từ 6 đến ngoài 40, cùng biểu diễn đa phong cách từ nhạc truyền thống đến hiện đại. Các loại nhạc cụ được sử dụng gồm trống, guitar thùng, guitar điện và organ. Đơn vị tổ chức còn huy động gần 200 giọng ca tham gia đêm nhạc. Sự kiện này trở thành một chương trình nghệ thuật ấn tượng ở thời khắc tạm biệt năm cũ, chào đón năm mới.
Anh Đặng Hoàng Tuấn – đại diện đơn vị tổ chức cho hay: “Sự kiện này dự định sẽ đăng ký xác lập kỷ lục Đông Nam Á. Tuy nhiên, các thủ tục đăng ký mất nhiều thời gian nên không thực hiện được. Sắp tới, chúng tôi sẽ thực hiện một chương trình đặc biệt khác huy động nhiều nhạc công tham gia hơn nữa”.
Thông tin từ Sở VH-TT TP HCM cho biết trong năm 2023, các chương trình biểu diễn cộng đồng không chỉ tập trung ở khu trung tâm mà sẽ được tổ chức ở các quận, huyện để mọi người dân ở bất cứ đâu cũng được thưởng thức những chương trình biểu diễn nghệ thuật chất lượng cao.
“Các đơn vị tham gia chương trình biểu diễn cộng đồng cần đầu tư nhiều hơn về chất lượng để nâng chất chương trình. Cần có hình thức biểu diễn phong phú, đa dạng hơn nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của khán giả” – đại diện Sở VH-TT TP HCM nhấn mạnh.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)