(NLĐO) – Thị trường chứng khoán luôn có nhiều cơ hội, quan trọng là nhà đầu tư phải biết chọn “khẩu vị” rủi ro để có chiến lược đầu tư phù hợp.
Theo báo cáo 6 tháng đầu năm và dự báo xu hướng 6 tháng cuối năm của Công ty Chứng khoán VNDirect (VNDirect), tính từ đầu năm 2022 đến nay, VN-Index đã giảm 20,7%; HNX-Index giảm mạnh hơn đến 41,5%, còn UpCOM-Index giảm 23,1%. Cùng với đó, thanh khoản cũng sụt giảm, cho thấy dòng tiền đang yếu, nhà đầu tư còn thận trọng đứng ngoài.
Thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm đan xen cơ hội – rủi ro
VNDirect chỉ rõ 6 tháng đầu năm nay, dòng tiền đổ vào nhóm hoá chất, ngành cung cấp nước và khí đốt. Tỉ trọng nhóm vốn hóa trung bình chiếm khoảng 41,6% giá trị giao dịch hằng ngày, tiếp theo là VN30 với 38,3% và nhóm vốn hóa nhỏ là 14,2%.
Đáng chú ý, vốn hóa toàn thị trường đã bốc hơi hơn 1,22 triệu tỉ đồng (tương đương 52 tỉ USD) trong 6 tháng qua. Hầu hết các ngành đều có thanh khoản tăng đột biến, trừ ngành thép và ngân hàng. Trong đó, nếu như thanh khoản ngành ngân hàng và thép với giảm lần lượt 37% và 18% thì thanh khoản ngành hoá chất tăng 134% so với cùng kỳ, xây dựng tăng 99%, bán lẻ 89%, điện 74%, khí đốt 59%…
VNDirect nhìn nhận nguyên nhân của việc bán tháo cổ phiếu, thanh giảm sụt giảm trong thời gian qua có thể do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng cường thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, kéo theo lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Ngoài ra, trước một số vụ việc liên quan đến thao túng cổ phiếu và gian lận phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tâm lý thị trường cũng bị ảnh hưởng khá tiêu cực
Nhận định thị trường từ nay đến cuối năm, VNDirect đánh giá những yếu tố hỗ trợ chính cho thị trường đến từ tăng trưởng GDP dự kiến cải thiện và đạt mức 7,1%. Ngoài ra, việc Chính phủ đẩy nhanh thực hiện gói kích thích kinh tế và thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư công cũng góp phần hỗ trợ cho thị trường chứng khoán cuối năm.
Chuyên gia kinh tế – TS Cấn Văn Lực nhìn nhận thị trường chứng khoán luôn có nhiều cơ hội, quan trọng là nhà đầu tư phải biết chọn “khẩu vị” rủi ro để có chiến lược đầu tư phù hợp, tránh theo tâm lý đám đông và đa dạng hóa sản phẩm đầu tư hơn với mức đòn bẩy tài chính phù hợp.
“Những sản phẩm dịch vụ chứng khoán mới đã và đang được Uỷ ban Chứng khoán nhà nước bổ sung. Đặc biệt, lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết dự báo có thể tăng từ 20%-25% trong cả năm và chỉ thấp hơn mức 30%- 33% của năm ngoái nên vẫn có nhiều cơ hội đầu tư” – TS Cấn Văn Lực lạc quan.
TS Lê Đạt Chí, ĐH Kinh tế TP HCM, nhận định thị trường diễn biến ra sao phần lớn dựa vào chính sách chung, giải pháp điều tiết dòng tiền của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu nắm bắt cơ hội từ nhóm cổ phiếu hưởng lợi, chọn nhóm ngành có kết quả kinh doanh, xuất khẩu tốt thì nhà đầu tư vẫn có thể đạt mức lời ít nhất 30% từ nay đến cuối năm.
Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)